Bí quyết xin visa du học Mỹ từ người trong cuộc

Chuyên đề: Thông tin du học

Xin chào các bạn, mình là Jennifer Vo và hiện là du học sinh Mỹ tại tiểu bang Texas. Tính đến bây giờ mình ở Mỹ được hơn 3 năm, và khi nghĩ lại những ngày đầu chuẩn bị hồ sơ xin visa Mỹ cho đến khi đã đặt chân sang đây, mình không tin được đó là câu chuyện gần 4 năm trước. Với tính cách chủ động, mình đã tự tìm hiểu và làm hồ sơ du học Mỹ thông qua những bước tiến hành sau đây:

>> Du học Mỹ: tự làm hồ sơ hay qua dịch vụ tư vấn du học?

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ ứng tuyển cho khóa học

Năm 2015 trong lúc đang là sinh viên năm nhất ngành sư phạm tiếng Anh tại Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng, mình bắt đầu có dự định sang Mỹ vào kỳ nhập học mùa thu năm 2016. Vì mong muốn được đi du học Mỹ nên từ những năm cấp 3 mình đã tham gia rất nhiều hội thảo du học, qua đó, mình biết được rằng một trong những tiêu chí có thể góp phần giúp bạn trúng tuyển vào một trường đại học của Mỹ là một học bạ đẹp và bảng điểm IELTS hoặc TOEFL.

Vậy nên quá trình từ học cấp 3 đến năm nhất đại học, GPA của mình khá ổn. Mình muốn lưu ý với các độc giả USIS Education rằng bạn nên cố gắng đạt kết quả học tập loại khá trở lên, song song với việc tham gia các chương trình hoạt động ngoại khóa lý thú (khuyến khích nhất là những chương trình có cấp giấy chứng nhận).

=>> Cách giúp du học sinh Mỹ phân biệt IELTS, TOEFL, SAT, GMAT và GRE

Ngoài chuẩn bị về học bạ, mình đã tìm hiểu những ngôi trường phù hợp với nguyện vọng của bản thân, rồi liệt kê những yêu cầu tuyển sinh của từng trường. Có vài trường sẽ yêu cầu đầu vào là IELTS > 5.0 và có những trường sẽ không yêu cầu, nhưng các bạn vẫn nên cố gắng đạt điểm IELTS càng cao càng tốt nhé.

Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ ứng tuyển cho khóa học
Jennifer Võ là sinh viên Đại học ngoại ngữ tại thời điểm quyết định du học Mỹ

Kế hoạch mình định hướng sẽ là 2 năm College - 2 năm University để tiết kiệm tiền học. Bên cạnh đó, mình biết khả năng của bản thân không thể xin được học bổng Mỹ tại Việt Nam nên mình đã ứng tuyển vào một trường College và lên kế hoạch săn học bổng khi đã sang Mỹ (mình sẽ chia sẻ cách xin học bổng khi đã ở sang Mỹ trong một bài viết khác).

Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ cho trường và chuẩn bị hồ sơ xin visa

Một trong những loại giấy quan trọng nhất để được cấp visa du học Mỹ là giấy báo nhập học I-20 do một trường cao đẳng/ đại học Mỹ cấp. Trong quá trình nộp hồ sơ đăng ký vào trường, bạn nên lưu ý đến hạn nộp hồ sơ để có thể hoàn thành hồ sơ trước 1, 2 tháng. Lý do bởi vì giấy tờ gửi về đến Việt Nam sẽ mất gần 1 tháng, và chỉ khi có trong tay giấy I-20, bạn mới có thể tham gia phỏng vấn lấy visa du học Mỹ.

Theo kinh nghiệm của mình, bạn có thể scan tất cả giấy tờ và gửi qua bộ phận tuyển sinh quốc tế để đảm bảo hồ sơ giấy không bị thiếu sót. Ứng viên quốc tế cần phải nộp “SEVIS I-901”- là phí cho phép bạn nhập cảnh vào Mỹ, và khoản phí này có thể trả bằng Mastercard hoặc Visa card.

Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ cho trường và chuẩn bị hồ sơ xin visa
Lưu ý: cần khai đúng trong DS-160 vì những thông tin bạn khai sẽ liên quan đến những câu hỏi phỏng vấn

Sau khi nhận thư trúng tuyển/“Acceptance letter” của trường và biết chính xác khoảng thời gian giấy I-20 của bạn về đến Việt Nam, bạn có thể tiến hành điền đơn để đặt lịch phỏng vấn. Có 2 mẫu đơn bạn cần điền là DS-160 và đặt lịch phỏng vấn. Thông tin thêm tại https://ceac.state.gov/genniv/ và https://www.ustraveldocs.com/.

Lưu ý: cần khai đúng trong DS-160 vì những thông tin bạn khai sẽ liên quan đến những câu hỏi phỏng vấn. Cách tốt nhất là lưu lại những thông tin đã điền, nhằm đảm bảo tính nhất quán trong lúc trả lời.

Sau khi hoàn thành 2 loại đơn này và đóng lệ phí xin Visa, 1 ngày sau khi thanh toán, bạn có thể vào trang Ustraveldocs để tiến hành chọn ngày phỏng vấn. Tất nhiên là những giấy tờ được sử dụng trong quá trình phỏng vấn bằng tiếng Việt cần phải được dịch qua tiếng Anh từ trước.

Một phần không thể không bỏ qua đó là luyện tập trả lời những câu hỏi thường gặp bằng tiếng Anh cho trôi chảy. Dù bạn nói tiếng Anh chưa tốt, nhưng hãy thể hiện niềm đam mê của mình với ngôn ngữ này bằng cách cố gắng trả lời bằng vốn từ mình có. Nếu bí quá vẫn có thể dùng tiếng Việt nhưng hạn chế càng nhiều càng tốt nhé!

Bước 3: Sắp xếp giấy tờ cho ngày phỏng vấn

Đây là việc khá quan trọng vì mỗi cuộc phỏng vấn chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút, và nhân viên lãnh sự không thể dành cho bạn quá nhiều thời gian để tìm kiếm giấy tờ mà họ muốn xem. Do đó, bạn nên sắp xếp giấy tờ thật khoa học để thuận tiện cho việc tìm kiếm.

1. Giấy tờ khi vào phỏng vấn

(Lưu ý cần sắp xếp đúng trật tự vì bạn sẽ được kiểm tra trước khi bước vào phỏng vấn)

  • CMND-> Hộ Chiếu ->DS-160 có mã vạch -> Hoá đơn trả tiền phỏng vấn -> 1 ảnh 50 X 50mm ->Giấy hẹn phỏng vấn ->I-20-> Hoá đơn SEVIS I-901

2. Giấy tờ cá nhân

  • Hộ khẩu của cha mẹ có tên học sinh
  • Khai sinh của học sinh
  • Giấy đăng kí kết hôn của cha mẹ (nếu có)
  • 1 ảnh thẻ 50 X 50 mm

3. Giấy tờ học vấn

  • Học bạ, bảng điểm, giấy tờ hoạt động ngoại khoá và có thể mang theo tất cả giấy khen mà bạn có khi đi học.
  • Thẻ học sinh, sinh viên
  • Giấy chứng nhận trình độ tiếng Anh (IELTS, TOEFL)

4. Chứng minh tài chính 

Nếu người bảo trợ có kinh doanh:

  • Giấy phép kinh doanh
  • Biên lai thuế trong vòng 3 tháng gần nhất
  • Hình ảnh kinh doanh

Nếu người bảo trợ đi làm:

  • Giấy xác nhận việc làm của ba/mẹ
  • Hợp đồng lao động
  • Bảng lương
  • Giấy quyết định bổ nhiệm chức vụ

Các nguồn thu nhập khác:

  • Hợp đồng kinh tế
  • Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà (sổ đỏ/sổ hồng)
  • Hợp đồng nhà đất
  • Giấy xác nhận có gửi tiết kiệm ngân hàng bằng tiếng Anh.
  • Sổ tiết kiệm ngân hàng

Đặc biệt, mình muốn lưu ý kỹ hơn về số tiền trong sổ tiết kiệm ngân hàng. Hầu hết các trường sẽ yêu cầu học sinh chứng minh tài chính bằng cách scan giấy xác nhận số dư trong sổ tiết kiệm. Con số này phải lớn hơn hoặc bằng số tiền cần chi trả cho 1 năm học. Ví dụ với trường mình, chi phí ước tính trung bình cho 9 tháng học như sau:

  • Học phí và các khoản phí liên quan: $4,200
  • Sinh hoạt phí: $12,000
  • Sách: $ 1,800
  • Tổng cộng: $18,000

->Vì vậy, gia đình mình đã xác nhận số dư trong ngân hàng (Bank Statement) trong vòng 6 tháng gần nhất nhiều hơn mức quy định của trường là $18,000. Con số này tất nhiên sẽ thay đổi tùy vào ước tính của từng trường.

=>> Du học Mỹ cần bao nhiêu tiền?

Đây là số tiền trường ước tính trong một năm học bạn cần phải chi trả, chỉ khi có visa Mỹ và tham dự ngày Orientation Day tại trường thì bạn mới bắt đầu đóng tiền học. Ngoài tiền học ra, những chi phí khác bạn có thể linh động để tiết kiệm tiền. Mình sẽ chia sẻ với độc giả USIS Education về cách chi tiêu hợp lí cho những năm du học Mỹ ở một bài viết khác nhé!

Bí quyết xin visa du học Mỹ từ người trong cuộc
Chỉ khi có visa Mỹ và tham dự ngày Orientation Day tại trường thì bạn mới bắt đầu đóng tiền học

Trên đây là các bước chuẩn bị cũng như những giấy tờ cần thiết cho việc chuẩn bị hồ sơ du học và xin visa Mỹ. Theo kinh nghiệm của mình, bạn phải dành tối thiểu 6 tháng để chuẩn bị đầy đủ một bộ hồ sơ du học Mỹ, vậy nên hãy lên kế họach và chuẩn bị sớm nhất có thể. Du học Mỹ là ước mơ của rất nhiều bạn, và mình tin rằng ai cũng có thể làm được điều đó nếu đủ kiên nhẫn và kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị. Good luck to everyone!

                                                                                                                         JENNIFER VÕ (Du học sinh tại Texas, Mỹ)

---

Các bài viết cùng chủ đề:

>> 5 bước tự chuẩn bị hồ sơ du học Mỹ

>> Thủ tục xin visa du học Mỹ: những giấy tờ cần chuẩn bị

>> Hỏi đáp về điều kiện và quyền lợi visa du học Mỹ