Top 10 công ty bảo lãnh nhiều sinh viên quốc tế nhất ở Mỹ

Chuyên đề: Thông tin du học

Một trong những nguyện vọng lớn nhất của sinh viên quốc tế khi đi du học Mỹ đó là được ở lại xứ sở cờ hoa làm việc sau khi tốt nghiệp. Để giới hạn các công ty “mục tiêu”, USIS Education mời bạn tham khảo top 10 công ty về hỗ trợ visa làm việc tại Mỹ (visa H-1B) trong năm 2018 do trang goh1b thống kê.

>> Du học Mỹ nên chọn ngành gì để cơ hội ở lại định cư cao?

1. Ernst and Young (EY)

EY là một công ty dịch vụ đa quốc gia có trụ sở tại London, Vương quốc Anh và được biết đến là một trong 4 công ty lớn nhất (Big4) ngành kiểm toán - bên cạnh Deloitte, KPMG, PricewaterhouseCoopers (PwC). Công ty có khoảng 270,000 nhân viên ở 700 văn phòng khác nhau trên 150 quốc gia toàn thế giới. EY chuyên về các mảng kiểm toán, thuế và tư vấn. Công ty đã tạo điều kiện xin visa làm việc cho khoảng hơn 6000 nhân viên mang quốc tịch nước ngoài với mức lương hậu hĩnh lên tới 103 nghìn đô một năm.

Ernst and Young (EY)
Tòa nhà Ernst & Young ở Sydney, Úc

2. Cognizant Technology Solutions, US Corp

Đây cũng là một công ty đa quốc gia rất lớn với doanh thu hằng năm lên tới 16 tỷ đô. Công ty có trụ sở tại New Jersey này chuyên cung cấp dịch vụ về IT, bao gồm kĩ thuật số, công nghệ, tư vấn và vận hành. Công ty năm qua đã nhận gần 3000 người nước ngoài làm việc với mức lương trung bình là gần 78 nghìn đô một năm.

3. Deloitte Consulting, LLP

Đây là một công ty con của Deloitte. Theo trang Bloomberg, đây là công ty cung cấp dịch vụ tư vấn ở nhiều lĩnh vực khác nhau như quản lí nhân sự, chiến lược, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế, quản trị và công nghệ. Công ty có trụ sở khác nhau trên toàn thế giới với khoảng 6553 nhân viên. Công ty đặt trụ sở tại Rockerfeller, New York. Công ty năm qua đã tuyển dụng hơn 7000 du học sinh với mức lương trung bình là hơn 93 nghìn đô một năm.

4. HCL America Inc.

Là một công ty chuyên cung cấp dịch vụ lập trình máy tính, công ty cung cấp các dịch vụ xây dựng hệ thống công nghệ quản lí, kĩ thuật phần mềm và tạo ứng dụng. HCL America Inc. có 7000 nhân viên và trụ sở chính được đặt ở California, thủ phủ của các công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ và thế giới. Hơn 4000 nhân viên đã được cấp visa H-1B bởi công ty này trong năm qua với mức lương trung bình là hơn 85 nghìn đô một năm.

>> 28 tuổi, hơn 5 năm kinh nghiệm làm việc, có nên bỏ tất cả sang Mỹ học MBA?

5. Apple, Inc.

Đây hẳn là thương hiệu đã rất quen thuộc với mọi người, với chiếc điện thoại thông minh Iphone mà ai cũng khao khát sở hữu. Điều này không làm mọi người ngạc nhiên khi Apple thuê rất nhiều kỹ sư máy tính giỏi, trong đó có các kỹ sư nước ngoài có trình độ tay nghề cao. Như bạn có thể đã biết, Apple không chỉ bán Iphone mà còn cung ứng rất nhiều dịch vụ bao gồm thiết kế, sản xuất và bán thiết bị điện tử, phần mềm máy tính và dịch vụ trực tuyến.

Đây là một trong 4 công ty lớn về công nghệ (Big4) bên cạnh Amazon, Google và Facebook. Tính đến năm 2018, Apple có khoảng 132,000 nhân viên với doanh thu lên tới $265 tỷ đô. Apple đã hỗ trợ visa cho gần 2000 người năm qua với mức lương cao chưa từng thấy – hơn 145 nghìn đô một năm.

6. Qualcomm Technologies, Inc.

Đây là công ty đa quốc gia sản xuất chất bán dẫn và các thiết bị truyền thông. Hầu hết doanh thu từ công ty là làm các con chip điện tử. Trụ sở công ty đặt tại San Diego, California, Hoa Kỳ với 224 văn phòng khác nhau trên thế giới. Công ty mẹ Qualcomm còn sở hữu nhiều công ty con nổi tiếng như Qualcomm CDMA Technologies (QCT), Qualcomm Technology Licensing (QTL) và Qualcomm Technologies, Inc. (QTI). Công ty có khoảng 35 nghìn nhân viên với doanh thu khoảng 22 tỷ đô mỗi năm.

7. Tata Consultancy Service Limited

Tata là một công ty đa quốc gia của Ấn Độ. Công ty này chuyên về cung cấp dịch vụ và tư vấn IT. Trụ sở công ty tại Mumbai và có khoảng 149 văn phòng tại 46 quốc gia khác nhau. Theo tìm hiểu của USIS Education, tạp chí Forbes đã từng vinh danh công ty này trong mục top 61 công ty đổi mới nhất thế giới. Công ty có khoảng 436.641 nhân viên với doanh thu 21 tỷ đô mỗi năm. Trang Myvisajobs thống kê có hơn 13 nghìn lao động nước ngoài được bão lãnh visa làm việc tại Mỹ với mức lương trung bình là hơn 79 nghìn đô la một năm.

8. Amazon Fulfillment Service, Inc

Amazon là cái tên vô cùng quen thuộc với người dân Mỹ (và trên khắp thế giới!) Amazon có trụ sở tại Seattle, bang Washington của Mỹ. Công ty này cũng vừa mở văn phòng tại Việt Nam tháng 10 năm 2019.

Amazon Fulfillment Service, Inc
Văn phòng Spheres của Amazon tại Seattle

Hoạt động chủ yếu trong các mảng thương mại điện tử, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo,  Amazon đã vượt mặt Google trong vài năm trở lại đây để trở thành công ty có doanh thu lớn nhất trên mạng Internet toàn cầu. Doanh thu hàng năm công ty này đạt khoảng 233 tỷ đô với số lượng nhân viên lên tới 647,500. Amazon nhận khoảng hơn 4000 người nước ngoài làm việc trong năm qua với mức lương trung bình hơn 126 nghìn đô một năm

9. Kforce, Inc.

Trên trang web công ty, Kforce được miêu tả là một công ty chuyên về mảng Fintech (ứng dụng công nghệ trong tài chính kinh doanh). Công ty có hơn 50 văn phòng đại diện trên thế giới với 36,000 nhân viên tay nghề cao. Phần lớn khách hàng (70%) của công ty là cách doanh nghiệp đến từ Fortune 100 (100 công ty lớn nhất Hoa Kỳ). Kforce nhận 719 du học sinh năm qua với mức lương là 97,589 đô la một năm.

10. Mphasis Corporation

Chốt danh sách này tiếp tục là một công ty Ấn Độ có trụ sở tại Bangalore, chuyên cung cấp các dịch vụ IT và áp dụng hệ thống công nghệ và phần mềm trong các lĩnh vực tài chính, viễn thông, công nghệ… Tính đến năm 2018, công ty có khoảng 22 nghìn nhân viên ở các văn phòng khác nhau khắp thế giới. Theo trang Myvisajobs, công ty này đã nhận hơn 1000 người nước ngoài làm việc năm vừa qua với mức lương hơn 72 nghìn đô một.

Nhìn chung, các bạn có thể thấy là hầu hết các nhà tuyển dụng lớn đều làm về công nghệ và một số ít làm về tài chính, kiểm toán, tư vấn. USIS Education hi vọng qua danh sách này và bài viết “Những ngành hot ở thị trường lao động Mỹ 2019 và 5 năm tới”, các bạn có thể định hình tốt hơn ngành học cũng như việc làm trong tương lai nếu có dự định ở lại Mỹ làm việc sau tốt nghiệp.