Trải nghiệm học MBA ngành doanh nghiệp xã hội tại ĐH Indiana

Chuyên đề: Thông tin du học

Ngành doanh nghiệp xã hội là hướng đi mới đầy tiềm năng cho những bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực xã hội và có mong muốn tạo ra tác động bền vững, lâu dài cho cộng đồng. Trong bài viết này, USIS Education đã phỏng vấn bạn Phạm Thị Phương Liên, sinh viên khóa 2016-2018 tại trường kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ.

Phương Liên tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh, chuyên ngành marketing, entrepreneurship and corporate innovation, social entrepreneurship, và đã từng có 6 năm kinh nghiệm quản lý, điều phối dự án phát triển trong lĩnh vực tài chính vi mô, phát triển sinh kế, chuỗi nông nghiệp cho phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

>> Kinh nghiệm học MBA tại Trường kinh doanh Darden, Đại học Virginia

Chào Phương Liên, bạn có thể chia sẻ con đường dẫn bạn tới ngành doanh nghiệp xã hội của mình?

Xin chào USIS Education! Đầu tiên, mình chọn đi theo lĩnh vực phát triển doanh nghiệp xã hội vì lí do cơ bản đó là từ nơi mình sinh ra, những con người mình tiếp xúc từ nhỏ đã khiến mình có nhiều trăn trở về các vấn đề trong cộng đồng. Lớn lên, khi học đại học và tham gia nhiều hoạt động xã hội, mình có cơ hội đi tới những miền quê nghèo, khó khăn – khiến cho trăn trở đó ngày càng lớn dần. Tuy vậy, mình cảm nhận rằng các hoạt động mình tham gia ban đầu như tình nguyện, tặng quà cho người nghèo, đi thăm trại trẻ mồ côi chưa thật sự bền vững và mang tính ảnh hưởng lâu dài. Khi đã xác định bản thân sẽ theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực này, mình quyết tâm học tập và tìm tòi để tìm ra hướng đi bền vững hơn.

Học bổng LEaRN của tổ chức Temasek đã tạo điều kiện cho mình theo học khóa học phát triển lãnh đạo trẻ tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Khoảng thời gian này, mình có tham gia hoạt động dạy các kĩ năng sống cơ bản cho các bạn thiểu năng trí tuệ như kĩ năng quản lí tiền, kĩ năng tự chăm sóc bản thân… Điều mình ấn tượng là các hoạt động xây dựng tập trung phát triển điểm mạnh của các bạn ấy, khiến các bạn ấy trở nên tích cực hơn, từ đó giúp các bạn tự phát triển cuộc sống bằng những điểm mạnh đó. Mình nhận ra hoạt động xã hội mang tính chất bền vững khi biết cách phát triển điểm mạnh của các đối tượng cần hỗ trợ và mang tới cho họ công cụ để từ đó giải quyết các vấn đề của chính bản thân.

Sau chương trình đó, mình trở về Việt Nam và mong muốn làm cho tổ chức phi chính phủ về phát triển bền vững. Mình có đọc được cuốn sách của giáo sư Mohamad Yunus về tài chính vi mô và thấy thực sự bị ấn tượng và thu hút bởi cách tiếp cận này. Vì vậy, mình đã tìm xem ở Việt Nam có mạng lưới về mô hình này chưa và ở đâu. Nhờ đó, mình biết tới Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Nguồn lực Tài chính cộng đồng và con đường sự nghiệp của mình gắn bó tại đây trong 6 năm trước khi mình giành học bổng Fulbright, Forte Fellowship để theo học tại trường kinh doanh Kelley, thuộc Đại học Indiana, Mỹ.

>> 8 trường đại học của Mỹ có quỹ học bổng quốc tế hào phóng nhất

Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất về chương trình đào tạo trong quá trình du học Mỹ?

Bên cạnh chương trình học MBA với ngành học chính của mình là Entrepreneurship and Corporate Innovation, mình được chọn học thêm chương trình cấp chứng chỉ về doanh nghiệp xã hội (Social Entrepreneurship). Chương trình học được xây dựng dựa trên sự kết hợp của 2 trường là Kelley School of Business và O'Neill School of Public and Environmental Affairs (SPEA) thuộc Indiana University. Các môn học tại Kelley thiên về yếu tố thực tiễn, cùng với các kĩ năng kinh doanh, khởi nghiệp, trong khi đó, các môn học tại SPEA tập trung về nghiên cứu, cơ sở nền tảng về mặt lý luận, khoa học. Bởi khi làm việc trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội, doanh nhân không chỉ cần có các kỹ năng quản lý doanh nghiệp, kinh doanh mà còn cần biết cách tiếp xúc một cách thận trọng với cộng đồng dễ tổn thương dựa trên các kinh nghiệm thực nghiệm cũng như phân tích đa chiều. Sự kết hợp giữa SPEA và Kelley giúp sinh viên xây dựng các kĩ năng quan trọng cần có khi làm việc trong môi trường kết hợp giữa xã hội và kinh doanh.

Hoạt động GLOBASE, tư vấn cho NGO tại Ấn Độ của Liên và nhóm sinh viên Kelley-SPEA

Trong quá trình du học Mỹ, mình cũng rất ấn tượng với các dự án, câu lạc bộ và các tổ chức do sinh viên lãnh đạo trong trường. Sinh viên tại Kelley thường làm tư vấn cho các tổ chức NGO, doanh nghiệp xã hội nước ngoài và đây là cơ hội tốt để các sinh viên MBA như mình được thực hành các kiến thức đã học. Một trong những mạng lưới sinh viên mình tâm đắc nhất đó là Kelley Chapter thuộc Net Impact – một mạng lưới rộng khắp và có tầm ảnh hưởng tại Mỹ với 350 chapters trên toàn thế giới, cùng sự góp mặt của hơn 10,000 sinh viên, chuyên gia với cam kết sử dụng sức mạnh của doanh nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Mình tham gia Kelley Chapter với vị trí là phó chủ tịch phụ trách Marketing. Tại đây, các hoạt động dựa trên 3 mảng chính đó là nâng cao kiến thức, phát triển dự án và cuối cùng là mở rộng mạng lưới quan hệ thông qua các chương trình hội thảo. 

Kelley School mở rộng cơ hội thực tập cho mình phát triển trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội. Trường có các hoạt động đi thăm và học hỏi về mô hình của doanh nghiệp, tập đoàn, và một trong hai doanh nghiệp xã hội mình thực tập tại Mỹ đã khởi nguồn từ các chuyến đi thăm này. Mình tham gia fellowship vào 2 hè, 1 với tư cáchlà Education Pioneers Fellow để tư vấn cho các chương trình cộng đồng của Trường Phillips Academy Andover và vị trí còn lại là thực tập sinh mảng phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp về thực phẩm tại The Hatchery Chicago – một trong những ‘vườn ươm’ cho các start-ups trong ngành thực phẩm lớn nhất tại Mỹ.

Bạn có thể chia sẻ cùng đọc giả USIS Education góc nhìn của bạn về hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội tại Mỹ?

Hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội ở Mỹ ngày càng lớn mạnh bởi sự hỗ trợ của 3 yếu tố chính. Thứ nhất, về lập pháp, Mỹ có khung lập pháp rõ ràng về doanh nghiệp xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau đăng kí dựa trên chiến lược kinh doanh của họ. Tính chất pháp lý cởi mở là động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp phát triển. Thứ hai, về mặt hệ sinh thái, các mạng lưới, nhóm hỗ trợ lớn, năng động hoạt động nhằm giúp đỡ doanh nghiệp có các công cụ nghiên cứu, quản lí, đánh giá để tăng tính pháp lý cũng như tiếp cận cơ hội huy động vốn, nguồn lực. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có các chứng chỉ chứng nhận giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo uy tín và khách hàng dễ dàng tìm kiếm ở một thị trường lớn. Thứ ba, về mặt thị trường, thị trường Mỹ lớn với hơn 300 triệu dân và khối lượng khách hàng quan tâm tới vấn đề xã hội gia tăng, đặc biệt là giới trẻ, họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm cải tiến, tạo ra nhiều giá trị tích cực cho xã hội.

Theo bạn, hệ sinh thái doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam nên phát triển như thế nào?

Doanh nghiệp xã hội là một hành trình với nhiều khó khăn và đòi hỏi người có tâm, đam mê trong lĩnh vực theo đuổi. Bởi doanh nghiệp hướng về cộng đồng sẽ phải cạnh tranh cao với môi trường doanh nghiệp đơn thuần, không chỉ vậy, nhận thức về các vấn đề môi trường, xã hội của người dân còn hạn chế, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những tác động gốc rễ, giúp thay đổi nhận thức, thói quen, mở rộng kiến thức tới người tiêu dùng.

Tiếp xúc và làm việc với đối tượng thách thức cần nhiều kiên trì và kĩ năng. Ban đầu, khi mình làm với người nông dân về chuỗi giá trị nông nghiệp, mình cũng loay hoay rất nhiều với các mô hình và thời đó mảng thị trường còn yếu. Mình cải thiện bản thân và cho bản thân những khoảng thời gian nhất định để dần dần phát triển từng kĩ năng một. Theo mình, các kĩ năng quan trọng cần phát triển cho các doanh nhân xã hội tại Việt Nam đó là sẵn sàng học hỏi, có đam mê và quan tâm tới đối tượng mình làm việc, kĩ năng cộng đồng, kĩ năng kinh doanh,…

Hiện tại, mình đang làm việc bên mảng chính sách và quản trị nhà nước. Mình giải quyết các vấn đề giúp hệ thống quản trị công trở nên minh bạch, hiệu quả hơn. Xu hướng phát triển tại Việt Nam hiện nay có thể dẫn tới nhiều vấn đề xã hội như y tế, giáo dục. Khi các chú trọng phát triển kinh tế tư nhân chạy theo tối đa hóa lợi nhuận, khả năng tiếp cận của người nghèo với dịch vụ công chất lượng có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực nếu không có định hướng đúng đắn về chính sách và hệ thống. Vì vậy, mình mong muốn tham gia vào các hoạt động minh bạch hóa, tăng chất lượng và bình đẳng của các dịch vụ công.

Cuối cùng, trải nghiệm đáng nhớ nào đã tạo động lực để bạn theo đuổi con đường sự nghiệp hiện nay?

Trong những ngày đầu tham gia hỗ trợ xây dựng chi nhánh tài chính vi mô mới tại một bản làng của người dân tộc Thái, mình gặp thách thức đầu tiên trong một trường hợp xin vay vốn. Để được nhận hỗ trợ vay vốn, thành viên phải được cộng đồng tín nhiệm và cho gia nhập nhóm vay vốn tại bản/làng. Tuy vậy, có một cô người Kinh bị coi là có tiếng “chầy bừa”, điều kiện gia đình khó khăn bởi con bị đi tù, không nhà không cửa lại phải nuôi hai cháu nhỏ.

Khi không có ai chấp thuận cho cô vay vốn, cô ấy khóc giữa buổi họp giới thiệu, kêu gọi thành lập cụm vay vốn của xóm. Mình giải quyết vấn đề bằng cách thu thập thêm thông tin qua nói chuyện với người xung quanh và trực tiếp quan sát, tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của cô để thực sự hiểu thêm con người cô. Khi đó, mình nhìn thấy cô ở khía cạnh khác. Cô là người chịu khó, một mình gánh vác 2 đứa cháu. Mình nghĩ khi họ trong tình thế cùng cực, họ chỉ vay 1-2 triệu để mua vài con gà giúp gia tăng thu nhập, nếu mình tin tưởng và hỗ trợ họ thêm thì họ sẽ thay đổi. Mình vừa động viên cũng vừa đưa ra các điều khoản để cô thực hiện. Mình cũng dạy cô thêm về các kĩ năng như kĩ năng quản lí kinh doanh, quản lí gia đình. Cô thực hiện rất nghiêm túc, dần dần, đàn gà mở rộng và cô nuôi thêm lợn, cứ thế cuộc sống cô phát triển dần. Từ đó, mình cảm nhận rõ sức mạnh của sự trao quyền, cách hỗ trợ để khiến con người thay đổi và vươn lên.

Làm việc với người nghèo giúp mình mở mang ra nhiều điều. Người nghèo họ không có điều kiện để thử nhiều, quá trình lớn lên của họ khiến họ không có nhiều sự tự tin, ước mơ bởi môi trường bị bó hẹp. Để họ thay đổi tư duy và thói quen, trước tiên mình cần hỗ trợ những người có động lực mạnh mẽ và tiềm năng phát triển nhất. Những người còn lại, khi nhìn thấy gương sáng bên cạnh sẽ trở nên mạnh dạn hơn để thay đổi.

Để họ tiếp tục làm việc, mình cần đi cùng, khơi gợi từ bước ban đầu và dành thời gian để hiểu mong ước trong cuộc sống, công việc của họ, từ đó nhận thức xem họ cần hỗ trợ mảng nào và để họ tự làm, tự nhận thấy. Đồng hành cùng họ để lựa chọn cách thay đổi dễ nhất, tạo thành công nhỏ dần ban đầu để họ nhìn thấy khả năng thay đổi cao. Mình cũng làm việc với hợp tác xã để cùng hợp tác và phát triển các dự án hiệu quả hơn.

Cảm ơn Phương Liên vì những chia sẻ ý nghĩa trên hành trình phụng sự của bạn. USIS Education chúc bạn đạt được những thành tựu và tạo nhiều dấu ấn trên con đường phía trước.