Viết luận, thuyết trình, thảo luận và những khác biệt của nền giáo dục Mỹ

Chuyên đề: Thông tin du học

Triết lý và phương pháp giáo dục phương Tây rất khác các nước châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Với góc nhìn từ một người trong cuộc có kinh nghiệm sinh sống và du học Mỹ hơn 4 năm qua tại tiểu bang Kentucky, mình sẽ giới thiệu 6 điểm khác biệt trong môi trường lớp học giữa Mỹ và Việt Nam.

>> USIS Education - Trúng tuyển vào Đại học Mỹ: khó hay dễ?

Về sĩ số: Lớp học ở Mỹ thường ít sinh viên hơn

Điều này đặc biệt đúng với các trường đại học theo định hướng khai phóng (liberal arts). Theo trang Bestvalueschools, một lớp học ở các trường đại học này trung bình có 11 sinh viên, trong khi đó, số lượng sinh viên ở các trường đại học chính quy ở Việt Nam cao hơn rất nhiều. Điều này xuất phát từ lí do nước Mỹ tin rằng lớp học càng nhỏ thì giáo viên càng dành nhiều sự chú ý hơn đến sinh viên, đồng thời giúp cho việc tương tác thuận lợi và thường xuyên hơn.

Lớp học ở Mỹ thường ít sinh viên hơn
Lớp học quy mô nhỏ là điều kiện thuận lợi để người học tương tác với giảng viên

Trong quá trình du học Mỹ, mình được theo học một trường Đại học khai phóng nhỏ ở Kentucky và rất thích mô hình giáo dục này. Vì có ít sinh viên nên vào giờ lên lớp mình sẽ có nhiều cơ hội phát biểu và đặt câu hỏi cho giảng viên. Các giáo sư nhớ mặt và tên từng người. Họ cũng có nhiều office hour, cho phép sinh viên có thể đến văn phòng trao đổi trực tiếp với giáo viên.

Việc phát biểu ý kiến giờ lên lớp: Sinh viên được khích lệ giao tiếp với giáo viên

Quan niệm cũ của Việt Nam cho rằng học sinh, sinh viên không nên “chất vấn” thầy cô vì đó là biểu hiện của hành vi thất lễ, cũng như chúng ta phải có niềm tin tuyệt đối vào những gì thầy dạy và luôn cho rằng kiến thức đó là đúng. Tuy nhiên, ở Mỹ, mọi người đều rất bình đẳng – từ sinh viên năm nhất cho tới giáo sư có hai bằng tiến sĩ. Những thầy cô giáo đã học qua rất nhiều năm nhưng vẫn tin rằng họ có thể học hỏi thêm từ sinh viên. Chính vì vậy, họ khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi để họ có dịp suy ngẫm và đúc kết từ những ý kiến đó.

=>> Tại sao nền giáo dục Mỹ được học sinh quốc tế ưa chuộng nhất thế giới?

Không chỉ là đặt câu hỏi, sinh viên còn được khuyến khích nêu ra những khó khăn và hỏi thầy giảng lại chỗ nào còn chưa hiểu. Mách nhỏ các bạn là các thầy cô bên Mỹ cực kì có thiện cảm với những sinh viên thường xuyên đặt câu hỏi vì họ cho rằng đây là những sinh viên có ý chí cầu tiến vươn lên, chủ động trong mọi tình huống.

Mình còn nhớ có lần mình học lớp kinh tế vĩ mô, thầy nói về việc sự phát triển của Châu Á. Ngay lúc đó, mình đã không ngại ngần hỏi ý kiến thầy về việc nền kinh tế Việt Nam và triển vọng tương lai, và thầy đã đưa ra những nhận định cá nhân mà mình đã vô cùng bất ngờ. Thầy không phân tích hay dự đoán nhờ vào tài nguyên thiên nhiên vô hạn hay dân số trẻ như mình vẫn nghĩ, mà thay vào đó, thầy đã giải thích theo góc độ công nghệ và năng suất lao động. Và mình đã “bỏ túi” được rất nhiều kiến thức hữu ích nằm ngoài sách vở như thế đó.

Làm việc nhóm, làm việc nhóm nữa, làm việc nhóm mãi

Mình hiện là du học sinh Mỹ ở năm thứ 4 của chương trình học. Nhìn lại chặng hành trình 4 năm ở đất nước này, kỳ nào mình cũng có bài tập làm việc nhóm. Các giáo sư tin rằng việc làm việc nhóm sẽ giúp sinh viên có thêm sự tự tin, khả năng giao tiếp và ứng biến tình hình tốt hơn. Quả thật như vậy, khi mình làm việc nhóm, mình không chỉ học hỏi được nhiều từ các bạn mà còn thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Mình không còn sợ khi đưa ra ý kiến hay sợ bị phán xét. Mình cũng tự tin vào bản thân hơn và không lo lắng phải kế hoạch bị thất bại vì mình luôn có các bạn khác cùng chung sức. Điều khó khăn duy nhất khi làm việc nhóm ở môi trường Mỹ đó là mỗi người có đến từ một vùng khác nhau và văn hóa khác nhau.

Làm việc nhóm, làm việc nhóm nữa, làm việc nhóm mãi
Đa dạng văn hóa là ưu thế của nền giáo dục Mỹ

Có những lần làm việc nhóm mà có năm người nhưng đến từ bốn châu lục và nói bốn thứ tiếng khác nhau. Có lần mình và các bạn cần làm một chiến dịch quảng cáo marketing cho một khu nghỉ dưỡng gần trường. Vì mình là người châu Á nên rất coi trọng việc nhắm tới giá trị gia đình. Tuy nhiên, các bạn đến từ Châu Âu hay châu Mỹ lại nghĩ là nên quảng cáo với giá trị cá nhân, mang lại cảm giác khác biệt cho du khách khi tới khu nghỉ dưỡng này. Chúng mình cuối cùng đã lắng nghe ý kiến của nhau và cùng nhau xây dựng một chiến dịch mà đối tượng là cả những bạn trẻ luôn mong muốn sự tự do, độc đáo và cả những gia đình - những người thích sự quy củ và sự gắn kết của tình thân. Chiến dịch đã kết thúc rất tốt đẹp và mình đã học được một bài học quý giá về làm việc nhóm cũng như lắng nghe, học hỏi từ các bạn.

>> Những câu lạc bộ sinh viên có 1-0-2 trên đất Mỹ

Vì vậy, việc thấu hiểu và đặt mình vào hoàn cảnh người khác để suy nghĩ là một điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, bạn không phải lo lắng vì chính những trải nghiệm như thế này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn.

Môi trường giáo dục chú trọng kỹ năng thuyết trình và công nghệ hỗ trợ

Cùng với sự phát triển công nghệ, chúng ta dần phụ thuộc vào máy tính và các phần mềm để xử lí dữ liệu cũng như trình bày bài nghiên cứu một cách mạch lạc rõ ràng. Hiểu được điều này, các giáo sư ở trường đại học Mỹ rất chú trọng vào kĩ năng thuyết trình – dưới sự hỗ trợ của các phần mềm cơ bản như Powerpoint. Sự quan trọng của bài thuyết trình thể hiện ở việc nó chiếm đến 25%-50% kết quả học kỳ của môn học đó.

=>> Kinh nghiệm tự học để hòa nhập môi trường đào tạo ở Mỹ

Mình đã từng rất sợ thuyết trình. Mình sợ phải nói trước đám đông và quan trọng hơn là nói bằng... tiếng Anh. Tuy nhiên, chỉ cần bạn luyện tập vài lần là sẽ vượt qua được vùng an toàn (comfort zone) để tự tin bày tỏ quan điểm của bản thân.

Môi trường giáo dục chú trọng kỹ năng thuyết trình và công nghệ hỗ trợ
Tác giả tại một sự kiện kết nối, mở rộng mối quan hệ ở thủ đô Washington, D.C.

Bên cạnh đó, do làm powerpoint rất nhiều, mình trở nên thành thạo và “ghiền” phần mềm này. Mỗi lần tham gia phỏng vấn xin việc, chính nhờ vào việc trình bày dự án qua powerpoint mà các nhà tuyển dụng đánh giá mình rất cao.

Viết luận cũng cần đảm bảo tính khoa học

Viết luận cũng cần đảm bảo tính khoa học
Bài viết luận là yếu tố rất quan trọng ở các chương trình học tập tại Mỹ

Kĩ năng nói và thuyết trình là vô cùng quan trọng, nhưng để nói hay và diễn thuyết giỏi thì bạn cần phải luyện viết trước! Ở trường của mình, mỗi một kì học, mình phải học ít nhất một lớp về kĩ năng viết. Hồi ở Việt Nam, mình cứ nghĩ viết thì “dễ như ăn cháo”. Tuy nhiên, khi sang bên này và được thầy cô chỉ bảo, mình mới thấy viết thực ra rất “khó nhằn”.

Có một điểm khác biệt rất lớn giữa viết luận ở Việt Nam và ở Mỹ đó là viết luận ở Mỹ cần rất mạch lạc và khoa học! Trái lại, ở Việt Nam, bạn cần viết dài và bay bổng để thể hiện tính “thơ” của tâm hồn nghệ sĩ. Vậy nên mình đã mất cả một năm ở Mỹ để rèn cách viết bày tỏ quan điểm rất ngắn gọn, súc tích mà vẫn thuyết phục.

=>> 5 ý chính không thể thiếu trong bài luận cá nhân du học Mỹ

Dù bạn theo đuổi bất cứ ngành học nào trong quá trình du học Mỹ, viết luận cũng là một trong những kỹ năng thiết yếu. Ở Việt Nam bạn thường phải viết luận văn khi kết thúc 4 năm học, nhưng ở Mỹ, mình phải viết bài nghiên cứu cho gần như tất cả các môn, và mỗi bài nghiên cứu như vậy có thể dài từ 15 đến 20 trang.

Và quan trọng nhất: Hãy tự do bày tỏ quan điểm của mình!

Điểm cuối cùng mình muốn nhấn mạnh của nền giáo dục Mỹ đó là sự tự do trong cách thể hiện quan điểm. Do văn hóa individualism (chủ nghĩa cá nhân) ở Mỹ rất lớn, mọi người thường tìm cách để mình khác biệt, và họ rất tự hào vì điều đó. Trong khi đó, ở Việt Nam, phần đông mọi người sẽ có chút ngại ngần khi nhận được sự chú ý của đám đông.

bày tỏ quan điểm của mình
Bạn hoàn toàn có thể tự tin thể hiện cá tính của mình tại Mỹ

Trong lớp học, nếu thầy giảng bài về một vấn đề bạn không thấy đồng tình, bạn hoàn toàn có thể giơ tay phát biểu và nêu rõ quan điểm cá nhân. Sẽ không ai “đôi co” ai thắng ai thua, bạn và thầy luôn được tôn trọng như nhau. Khi làm việc nhóm cũng vậy, nếu bạn không có những nhận định riêng của mình mà “ù ờ” với mọi ý kiến thì sẽ không được đánh giá cao. Vậy nên, khi ở Mỹ, bạn có thể tự tin khoe cá tính mà không sợ bị phán xét.

Hi vọng những sự khác biệt này giúp các bạn độc giả USIS Education hiểu hơn về nền giáo dục và văn hóa Mỹ. Chúc các bạn thành công!

DIỄM PHƯƠNG (Du học sinh bang Kentucky, Mỹ)

Bài viết cùng tác giả trên USIS Education: