“Chat” với chủ nhân học bổng toàn phần, chương trình thạc sĩ phát triển bền vững, Đại học Notre Dame

Chuyên đề: Cuộc sống du học

Với lịch sử hơn 100 năm tuổi, Đại học Notre Dame (University of Notre Dame) xếp thứ 15 trong bảng xếp hạng National Universities và luôn là ngôi trường nhận được nhiều sự quan tâm của du học sinh Việt Nam có nguyện vọng du học Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực Khoa học Xã hội với ngành Nghiên cứu hòa bình quốc tế (International Peace Studies).

“Chat” với chủ nhân học bổng toàn phần, chương trình thạc sĩ phát triển bền vững, Đại học Notre Dame
Đại học Notre Dame luôn nằm trong top các trường đại học xuất sắc tại Mỹ và nhận được nhiều sự quan tâm của các du học sinh Việt tại Mỹ

USIS Education xin mời bạn cùng đọc bài chia sẻ từ bạn Thắng Ngọc Quang, học viên khóa đầu tiên của Kenough School of Global Affairs, chuyên ngành Phát triển bền vững – cũng là người đã dành được học bổng toàn phần để theo học tại ngôi trường đã giành 2 giải Nobel Hòa Bình năm 2018.

>> Góc người trong cuộc: các tiêu chí sàng lọc khi chọn trường du học Mỹ

USIS Education: Xin chào Ngọc, bạn có thể chia sẻ với độc giả đôi nét nổi bật về chương trình Thạc sĩ Phát triển bền vững mà bạn theo học không?

Mình theo học tại Kenough School of Global Affairs, một ngôi trường chuyên về Các vấn đề toàn cầu mới được thành lập vào tháng 10 năm 2014 trong hệ thống các trường trực thuộc Đại học Notre Dame. Ở bậc thạc sĩ, trường giảng dạy 3 chuyên ngành:

  • Nghiên cứu hòa bình thế giới (International Peace Studies)
  • Phát triển bền vững (Sustainable Development)
  • Các vấn đề toàn cầu (Global Affairs)

Mình là một trong những học viên khóa đầu tiên của ngành Phát triển bền vững và rất may mắn đã được nhận học bổng toàn phần của trường, gồm cả học phí và sinh hoạt phí.

=>> Du học Mỹ bậc thạc sĩ & các điều kiện tuyển sinh phổ biến

chương trình Thạc sĩ Phát triển bền vững
Kenough School of Global Affairs, một ngôi trường chuyên về Các vấn đề toàn cầu mới được thành lập vào tháng 10 năm 2014

USIS Education: Chương trình Thạc sĩ tại trường Kenough tìm kiếm những học viên như thế nào?

Trường có chính sách chào đón các bạn đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới đã có kinh nghiệm đi làm thực tế trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi đi học.

>> Trúng tuyển vào Đại học Mỹ: khó hay dễ?

USIS Education: Theo USIS Education được biết, Ngọc tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế ở bậc đại học, vậy khi theo học chương trình này bạn có bỡ ngỡ vì lý do chuyển ngành?

Như mình đã trả lời ở trên, chính sách của Kenough School là chào đón sự đa dạng mà các học viên mang đến. Cụ thể lớp có các du học sinh đến từ 22 quốc gia và mỗi bạn học đại học ở chuyên ngành khác nhau.

Bản thân mình tốt nghiệp cử nhân Luật Kinh tế từ Đại học Luật Hà Nội và có thời gian làm việc trong hoạt động xây dựng chính sách ở Việt Nam nên việc này giúp mình không bị bỡ ngỡ khi theo học chương trình thạc sĩ. Bên cạnh đó, quá trình theo học ở trường đã giúp mình hiểu được rằng mọi chính sách đều dựa trên yếu tố kinh tế. Giám đốc chuyên ngành Phát triển bền vững mình học cũng là một giáo sư kinh tế. Điều này càng chứng tỏ mối quan hệ mật thiết giữa kinh tế và chính sách.

“Chat” với chủ nhân học bổng toàn phần, chương trình thạc sĩ phát triển bền vững, Đại học Notre Dame
Ngọc từng tốt nghiệp cử nhân Luật Kinh tế từ Đại học Luật Hà Nội

USIS Education: Những trải nghiệm nào Ngọc thấy thú vị nhất trong chương trình học?

Mình nghĩ trải nghiệm với chương trình học tại Kenough School đều là những trải nghiệm có-một-không-hai. Thứ nhất đó là mình được đi làm thực tế một mùa hè tại Tanzania. Hè năm đó, mình cộng tác với Trường Y thuộc đại học Havard (Havard Medical School) để tham gia đánh giá một chính sách y tế tại Tanzania.

Những trải nghiệm nào Ngọc thấy thú vị nhất trong chương trình học
Ngọc tại Tanzania khi cộng tác với trường Ý Havard vào mùa hè

Thứ hai là mình đã có cơ hội thực hiện một dự án vận động chính sách do chính mình thiết kế. Mình đã lựa chọn đề tài về ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt nạt ra sao, và Mỹ có thể giúp Việt Nam những gì. Sau khi nghiên cứu, mình đã có cơ hội chia sẻ vấn đề này với Văn phòng Thượng nghị sĩ, Đại sứ quán Việt Nam và các Viện Nghiên cứu lớn ở Washington D.C.

USIS Education: Điều khó khăn nào mà Ngọc đã gặp phải khi theo học?

Khó khăn đầu tiên mà mình gặp phải trong quá trình du học Mỹ là kỹ năng nghiên cứu. Đây là một kỹ năng rất quan trọng ở bậc cao học, tuy nhiên, nhìn chung sinh viên Việt Nam chưa được học bài bản, nên còn kém so với các bạn Mỹ đồng trang lứa, và bản thân mình cũng không ngoại lệ. Do 4 năm đại học chưa trau dồi và luyện tập nên khi sang học Thạc sĩ đã gặp không ít khó khăn. Lần đầu tiên viết bài tập nhóm, mình phát hiện ra mình còn chưa biết viết Tổng quan nghiên cứu (Literature Review) đúng cách, vì vậy đã phải tự mình loay hoay tìm hiểu đến 3-4 giờ sáng.

=>> Kinh nghiệm tự học để hòa nhập môi trường đào tạo ở Mỹ

Trở ngại tiếp theo là môn Toán. Mình tuy là dân khối A nhưng 4 năm đại học không học môn Toán, nên khi sang đây học các môn xác suất thống kê mình khá bối rối. Trong khi đó, tại môi trường giáo dục Hoa Kỳ, xác suất thống kê là một trong những môn cơ bản và được học rất sớm, sau đó nâng cao dần theo trình độ.

Điều khó khăn nào mà Ngọc đã gặp phải khi theo học
Ngọc chụp cùng các bạn cùng lớp trong lễ tốt nghiệp

USIS Education: Nếu có một lời khuyên cho những độc giả có nguyện vọng du học Mỹ ngành Phát triển bền vững, Ngọc sẽ gửi thông điệp gì?

Cần xác định rõ con đường mà bạn theo đuổi trong tương lai và điều mà bạn thực sự đam mê. Bạn nên tham gia nhiều hoạt động và tích lũy nhiều trải nghiệm trước khi theo học, điều này sẽ giúp việc học của bạn hiệu quả hơn.