Chông chênh chọn ngành khi du học Mỹ: Sau cô đơn là quả ngọt

Chuyên đề: Cuộc sống du học

Mọi người thường sợ sự thay đổi vì không tin vào khả năng của bản thân. Tuy nhiên, nếu bạn mạnh dạn dám thay đổi theo hướng tích cực, bạn sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp và bất ngờ. Câu chuyện của bạn Diễm Phương sẽ giúp đọc giả USIS Education thêm tự tin trên hành trình chọn ngành khi du học Mỹ.

>> 6 ưu thế vượt trội của nền giáo dục Mỹ

Xác định lại con đường sự nghiệp nhờ những môn học tưởng chừng vô-giá-trị

Trước khi tới Mỹ, nhà trường yêu cầu mình gửi tên ngành mà mình muốn chọn học. Từ khi còn nhỏ, mình đã thích kinh doanh (Business) và chính trị (Politics). Mình nghĩ đây cũng là hai ngành khá phổ biến với những đứa trẻ tham vọng và… ngây ngô về thế giới như mình hồi xưa. Mình đã từng tưởng tượng sau này sẽ là nhà ngoại giao hoặc nhà đầu tư tài giỏi như Warren Buffett (Sau này mình nhận ra, thế giới quả thực phức tạp và không trơn tru như giấc mơ của mình). Thế là mình cuối cùng đã rời được khỏi 12 năm học phổ thông để tiến lên học chuyên sâu về những gì mình muốn, với tâm thế đầy tự tin.  

Cuối cùng những ngày đầu du học Mỹ cũng tới, mình hồ hởi đăng kí loạt các lớp mà mình cảm thấy thú vị. Mình đăng kí học Accounting (Kế toán) cho ngành Kinh doanh, học Giới thiệu về ngành chính trị cho ngành Khoa học chính trị (Political Science) và lớp Microeconomics (kinh tế vi mô). Mặc dù lớp kinh tế vi mô là lớp học không đóng góp gì cho hai ngành mình đăng kí, nó lại là lớp học thú vị nhất trong năm học đó. Cũng nhờ lớp kinh tế vi mô đó mà mình suy nghĩ lại con đường mình muốn đi trong tương lai. Mình tin rằng kinh tế (economics) hợp với mình hơn kinh doanh.   

Thế là học kì hai năm nhất, mình chọn thêm lớp kinh tế vĩ mô để tiếp tục khám phá thêm về ngành kinh tế. Song song với đó, mình đăng kí lớp quan hệ quốc tế (International relations) để hiểu thêm về chính trị. Tới cuối năm nhất, mình lại đinh ninh khẳng định với bản thân, rằng mình muốn học hai ngành là khoa học chính trị và kinh tế, với trọng tâm về chính trị quốc tế và chính sách. Hai ngành này cũng có nhiều lớp liên quan đến nhau nên dù học hai ngành nhưng cũng không quá nặng với chương trình học tập của mình.

Học kì đầu năm hai, mình chọn lớp Xác suất thống kê áp dụng trong ngành kinh tế và lớp này đã làm mình thay đổi hoàn toàn về hướng đi bản thân trong tương lai. Mình thấy rằng học lớp toán rất thú vị và có nhiều áp dụng trong thực tế. Trong khi đó, các lớp về chính trị mình đã học thiên nhiều về đọc hiểu và không có ý nghĩa trực tiếp tới thực tại. Chủ yếu mình học các từ chuyên ngành trong chính trị, đọc vài cuốn sách cơ bản và viết bài luận về nó – mà việc này rất tốn thời gian, lại không gây hứng thú với mình.

Xu hướng thị trường cũng quan trọng lắm nhé!

Năm học thứ hai cũng là năm mình cần bắt đầu tìm hiểu về việc thực tập và hướng đi sau khi tốt nghiệp. Lưu ý rằng sinh viên quốc tế thường phải chuẩn bị từ rất sớm như này vì cơ hội nghề nghiệp và ở lại Mỹ làm việc sau tốt nghiệp là rất khó khăn.

Theo kinh nghiệm các anh chị đi trước và những du học sinh tìm việc thành công ở Mỹ, những sinh viên với ngành STEM (science, technology, engineering and math) có cơ hội lớn hơn rất nhiều lần. Lí do cho việc này đó là các ngành STEM luôn là những ngành mũi nhọn cho việc tạo nền móng và phá triển cho hầu hết các ngành trong xã hội. Bên cạnh đó, ngành STEM nở rộ vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, kéo theo đó chính là nhu cầu về ngành toán (cụ thể là xác suất thống kê) và các kĩ năng liên quan tới tính toán.

>> Visa làm việc tại Mỹ H-1B: Bạn hỏi – USIS Education trả lời

Ngay khi hiểu được nhu cầu cần thiết của việc học ngành STEM, mình quyết định chuyển ngành toàn bộ. Mình không học chính trị nữa mà thay vào đó là ngành toán. Mình vẫn giữ ngành kinh tế nhưng trọng tâm không phải là chính sách mà về xây dựng mô hình (cơ bản là giống như toán học). Đây là một quyết định liều lĩnh vì công sức học các lớp một năm rưỡi đầu tiên du học Mỹ đã tiêu tan gần như hết cả, mình sẽ phải bắt đầu lại từ đầu! Trong khi đó, đây đã là học kì hai năm hai, mình chỉ còn 5 học kì còn lại để hoàn thành hai ngành vô cùng khó này! Điều này đồng nghĩa với việc mình phải học nhiều lớp hơn quy định của nhà trường mỗi kì và các lớp về toán thì thường rất khó.   

Mình không nề hà việc khó vì mình dành thời gian cả cuộc sống của mình để chống chọi với khó khăn và thử thách. Quan trọng trong quyết định này là cơ hội mình nhìn thấy bản thân có những kĩ năng phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Mình cũng nhìn thấy cơ hội nghề nghiệp rộng mở hơn rất nhiều vì mình có thể tiến tới hầu hết các công việc nếu mình có kĩ năng tính toán tốt. Suy nghĩ này có lẽ mình rèn được nhờ kinh tế. Kinh tế không phải là ngành học về tiền như nhiều người nghĩ, kinh tế là ngành học về lựa chọn các quyết định khi tài nguyên là có hạn.

Cái giá của sự lựa chọn: sau cô đơn là quả ngọt!

Bây giờ mình đang là sinh viên năm ba và mình rất hài lòng với quyết định này. Tuy nhiên cái giá của nó chính là những ngày mệt nhoài thở không ra hơi hay là giảm thời gian tụ tập bạn bè để ở nhà hiểu thêm về bài toán học ở lớp. Có lẽ với nhiều bạn sinh viên ở Việt Nam, tuổi trẻ hay 4 năm đại học là những trải nghiệm từ chuyến đi phượt hay du lịch với bạn bè. Ở Mỹ, mình cô đơn với những bài toán “khó nhằn” và những lí thuyết kinh tế trừu tượng. Mình chưa bao giờ có cơ hội “xa xỉ” được đi du lịch ở Mỹ vì thời gian học tập cũng như tìm việc đã choán hết, thậm chí là thời gian nghỉ ngơi cũng như ăn uống.  

Với hai ngành học liên quan tới toán, mình tự tin apply ngành Tài chính ngân hàng vì đơn giản kỹ năng toán học của mình có thể giúp ích rất nhiều trong việc nhanh nhạy với con số trong ngành. Tuy nhiên, cả một học kì cố gắng để vào ngành này không đi tới đâu, mình đã mạnh dạn nộp đơn làm nghiên cứu hè ngành Y– ngành mà mình đã từ lâu nghĩ tới nhưng không đủ tự tin để học. Nhờ vào sự bền bỉ cố gắng cũng như kiến thức mình tạo dựng từ ngành toán và kinh tế, mình đã thuyết phục được hồi đồng giám khảo ở trường đại học Pennsylvania (University of Pennsylvania) chọn mình.

Từ kinh doanh, chính trị tới kinh tế, toán và gần đây nhất là con đường tương lai làm nghiên cứu Y học, mình đã không ít lần sợ hãi và mất hi vọng. Tuy nhiên, con đường cứ tự mở nếu bạn tự tin bước đi và thực sự yêu thích nó. Một điều nữa là, ở độ tuổi 20, bạn còn quá trẻ để biết chính xác mình muốn làm gì, vậy nên cứ đi con đường bạn muốn đi, nếu có thấy lạc lối trong quá trình, bạn chỉ cần rẽ sang một hướng khác để đi. Suy cho cùng, những gì bạn học bây giờ không nhất thiết là những gì bạn phải làm với nó cả đời vì kiến thức là hành trang, không phải là đích tới. Rẽ sang một hướng khác không hẳn là xấu vì nó giúp bạn có nhiều hành trang hơn, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và là nền tảng cho những kiến thức sau này trong cuộc sống bạn sẽ cần phải học.

Cuối cùng, bản thân mình cảm thấy rất may mắn vì có cơ hội được giáo dục tại trường đại học khai phóng (liberal art college) - nơi mình không phải chọn ngành cho tới cuối năm hai. Điều này tạo điều kiện cho mình có thêm nhiều thời gian cho việc chọn ngành. Bên cạnh đó, hệ thống này còn cho phép mình được khám phá nhiều môn học để biết mình thực sự muốn gì. May mắn hơn là ở Mỹ, bạn có thể học một ngành hoặc nhiều ngành, tùy theo vào thời gian và sức lực bạn cho phép bản thân.

Xem thêm: Lựa chọn ngành du lịch: Thách thức hay cơ hội?