Bí quyết hòa nhập khi du học Mỹ: 6 Sai lầm thường gặp của du học sinh Việt

Chuyên đề: Cuộc sống du học

Sinh viên Việt Nam chăm chỉ và thông minh, nhưng vướng mắc khi du học Mỹ của người Việt ít khi liên quan đến vấn đề học tập mà là "bài toán" hòa nhập. Khi đặt chân sang một quốc gia mới, "shock văn hóa" chỉ là giai đoạn tạm thời, điều quan trọng là biết những điều nên và không nên làm để nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới. Hãy cùng  USIS Education điểm qua 6 sai lầm các du học sinh hay mắc phải khi du học Mỹ và cách giải quyết chúng nhé!

>> Học cách hòa nhập văn hóa Mỹ

#Sai_lầm_số_1: Thiếu sự chuẩn bị

Cụ thể là chuẩn bị cho những khác biệt trong văn hóa. Chẳng hạn khác biệt về cách xưng hô trong lớp học (gọi giáo sư bằng tên), phong cách ăn mặc (sinh viên ăn mặc thoải mái), phong cách giao tiếp (nói nhanh, to, sinh viên được quyền thách thức giáo sư, và ngược lại giáo sư cũng được quyền khen ngợi hoặc chỉ trích thẳng thắn với kết quả của sinh viên)... Những khác biệt này đôi khi còn thể hiện trong những quy tắc và định hướng giáo dục, chẳng hạn mức độ nghiêm trọng của đạo văn; sinh viên được kì vọng sẽ có tác phong độc lập trong việc học và phần nhiều thời gian trên lớp là làm bài tập nhóm thay vì nghe giảng thụ động.

Có rất nhiều thông tin trên Internet chia sẻ về vấn đề "shock" văn hóa trước khi đi du học và không khó để liên hệ các du học sinh Mỹ đi trước bạn để tìm lời khuyên. Khi nhận ra sự khác biệt này, bạn sẽ thấy rằng khắc phục và hòa nhập không khó như bạn tưởng.

#Sai_lầm_số_2: Ít liên lạc với gia đình, tự mình co cụm với nỗi nhớ nhà

Sống ở một quốc gia khác, đặc biệt trong thời gian đầu khi mới đặt chân đến Mỹ, du học sinh có xu hướng bận rộn học tập hay đi làm với mong muốn nhanh hòa nhập mà đôi khi quên rằng giữ liên lạc với gia đình là một việc quan trọng. Nhưng bạn biết không, việc lưu giữ những mối quan hệ thân thuộc là lời khuyên phổ biến từ chuyên gia tuyển sinh. Các chuyên gia cho rằng, thói quen này sẽ giúp bạn làm quen nhanh hơn với các cuộc sống mới và loại bớt những áp lực có thể nảy sinh trong quá trình thích nghi.

Chính vì vậy khi đóng gói hành lý đừng quên đem theo một vài tấm ảnh, lưu nhạc Việt vào điện thoại, học nấu món ăn Việt, và mang đồ lưu niệm bên mình – những vật nhỏ bé này sẽ gợi nhớ bạn đến những gì thân thuộc và giúp bạn dễ dàng vượt qua nỗi nhớ nhà.

>> Những món ăn đậm chất Việt gây “thương nhớ” cho du học sinh

#Sai_lầm_số_3: “An phận” trong cộng đồng người Việt

Xu hướng tìm kiếm những gì thân thuộc khi ở trong một môi trường xa lạ là tâm lý hết sức bình thường. Du học sinh Việt Nam, hội người Việt tại nước ngoài chắc chắn sẽ khiến bạn có cảm giác an toàn khi chưa có nhiều bạn bè ngoại quốc. Nhưng nếu chỉ ở trong vòng của những người bạn Việt, bạn sẽ tự cô lập bản thân trong “hội đồng hương”, vô tình khiến cho khoảng cách với bạn bè quốc tế càng bị nới rộng.

Để mọi việc đơn giản hơn, hãy mở rộng vòng tròn tình bạn, bắt đầu từ du học sinh quốc tế từ các nước châu Á chẳng hạn. Họ là những sinh viên sống xa nhà, và dù không đến từ Việt Nam nhưng có thể đồng cảm với bạn ở nhiều vấn đề trong cuộc sống. Và nhớ là đừng ngại ngần trước những khác biệt, bởi chắc chắn những người bạn quốc tế trong đó có cả bạn bè người Mỹ sẽ muốn biết nhiều hơn về câu chuyện về đất nước và con người của riêng bạn.

#Sai_lầm_số_4: Mặc kệ thế giới, chỉ tập trung học hành

Ở Mỹ, kết quả học tập không phải là điều duy nhất. Để trở thành một sinh viên xuất sắc, bạn không chỉ cần điểm số mà còn phải có kỹ năng diễn đạt, giao tiếp, tích cực trong các hoạt động ngoại khóa và nhiều kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu khác nữa. Nếu quá tập trung vào học hành, bạn sẽ mất cơ hội có được những trải nghiệm quý giá ngoài kia.

Thử tưởng tượng nếu chỉ nói chuyện học tập, một người bạn sẽ chỉ dừng lại ở mức bạn học (study partner) thay vì bạn bè (Friend). “Tò mò” là từ khóa để mở mối quan hệ này, bằng việc tán chuyện phim ảnh Mỹ, đồ ăn, âm nhạc, và chia sẻ sở thích chung nếu có. Giữ bản thân bận rộn tìm kiếm những mảnh ghép văn hóa khác biệt trong khi đi làm thêm, tình nguyện sẽ khiến bạn quên đi khác biệt và lúc ngoảnh lại bạn đã thấy cuộc sống mới này thân thuộc lúc nào không hay.

#Sai_lầm_số_5: Không tận dụng các hỗ trợ của trường đại học

Chương trình Định Hướng là một cách không những tiết kiệm mà còn hiệu quả để gặp gỡ những người bạn mới và tìm kiếm nguồn trợ giúp. Khi thiết kế ngày hội Orientation, văn phòng tuyển sinh Quốc tế thường xuyên tổ chức các hoạc động như ngày hội chiếu phim, café giao lưu, hoạt động thể thao… cho sinh viên toàn trường. Do đó, hãy hứa với USIS Education là bạn sẽ không bỏ lỡ cơ hội kết bạn ngay từ tuần lễ nhập học.

Một cách khác để tận dụng sự trợ giúp của trường là gia nhập các nhóm hội, câu lạc bộ sinh viên để tìm đến những người bạn có cùng sở trường, đam mê với bạn (như hội thích xem phim kinh dị, hội thích truyện tranh Nhật Bản, hội thích làm thơ...)

Trên tất cả, nếu bạn thấy mình đang gặp khó khăn, tuyệt đối không nên tự cô lập bản thân mà hãy đi tìm một ai đó để chia sẻ. Đó có thể là những cán bộ tại văn phòng tuyển sinh quốc tế, nhân viên y tế, hoặc cố vấn học tập. Chắc chắn bạn sẽ nhận được một bờ vai chia sẻ, cộng thêm một vài lời khuyên về sức khỏe hay tháo gỡ khúc mắc của bài tập lớn sắp đến hạn.

>> Chính sách hỗ trợ “hào phóng” của các trường đại học Mỹ đối với sinh viên quốc tế

#Sai_lầm_số_6: Ăn uống và sinh hoạt không điều độ

Những ngày đầu du học Mỹ việc ăn uống đúng giờ trở nên khó khăn hơn rất nhiều bởi 3 rào cản chính: bạn không có sẵn các nguyên liệu quen thuộc để tự nấu ăn, không còn người thân để quây quần bên mỗi bữa ăn và cũng chẳng có nhiều lựa chọn hàng ăn trên phố (trừ các tiệm ăn nhanh) như khi còn ở Việt Nam.

Do đó, cách hữu hiệu nhất vẫn là nhanh chóng đối mặt với thực tế rằng bạn sẽ còn ở lại Mỹ thêm vài năm nữa, và đã đến lúc phải lao vào bếp để học cách tự chăm sóc bản thân bằng những bữa ăn đủ chất. Để có cảm hứng nấu nướng, bạn có thể bắt đầu lên lịch khám phá các siêu thị trong vùng, nhấn “follow” các kênh dạy làm bếp hay đơn giản là mời bạn bè quốc tế cùng đi ăn ngoài hoặc về nhà ăn thử những món bạn trổ tài để tìm lại cảm hứng ẩm thực.

Và bạn biết không, việc ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên trong khi cơ thể điều chỉnh và thích nghi với múi giờ và lịch sinh hoạt mới sẽ giúp bạn hòa nhập vào nền văn hóa mới dễ dàng và cởi mở hơn.

Cuối cùng, nếu bạn đã cố hết sức nhưng vẫn cảm thấy…“có gì đó sai sai” những ngày đầu trên đất Mỹ thì cũng đừng vội nản chí. Những sai lầm trên là không thể tránh khỏi. Đây không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đã mắc sai lầm nghiêm trọng và cuộc sống du học Mỹ đang đi vào ngõ cụt. Mọi thứ vẫn còn trong tầm với, nếu bạn quyết tâm ngày hôm nay “sẽ phải khác!”